Những chuyến đi ngắm lúa cho Mạnh Tú nhiều trải nghiệm đáng nhớ, không chỉ chụp ảnh, anh còn kết hợp đi thiện nguyện.
Lý Mạnh Tú (thường gọi Trane Lee), sinh năm 1989, hiện sống và làm cho một công ty du lịch tại Hà Nội. Anh đam mê những hành trình ngắm mùa lúa chín vùng cao miền Bắc từ 2015 đến nay. Lần gần nhất, Tú chụp ảnh mùa lúa chín là vào tháng 7/2021 tại thung lũng Bắc Sơn, Lạng Sơn.
“Cuộc sống thật tẻ nhạt nếu không đặt chân đến chiêm ngưỡng mùa lúa chín và những kiệt tác ruộng bậc thang vùng cao”, anh Tú mở lời như trên khi nói về các chuyến đi vừa qua, cũng bày tỏ mong muốn dịch bệnh qua mau để tiếp tục những chặng đường mới.
Đến thị trấn Bắc Sơn, anh Tú ấn tượng với dòng nước trong xanh chảy qua thung lũng nhuộm vàng óng màu lúa chín. Điểm nhấn của thung lũng Bắc Sơn, ngoài thảm lúa chín còn là những nếp nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày, Nùng của 400 hộ tại làng văn hóa du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn thuộc xã Quỳnh Sơn. Làng nằm sát thị trấn Bắc Sơn, có kiến trúc đồng nhất, tựa lưng vào dãy núi đá vôi, cửa nhà quay về hướng nam, tạo không gian thoáng mát, hài hòa với thiên nhiên.
Ngoài việc ghi lại góc ảnh trên cao, anh Tú còn thả bộ trên đường quê, hòa mình vào nắng chiều trên cánh đồng thoang thoảng hương lúa chín, lúc này người dân đã ngưng công việc đồng áng trở về nhà.
Nhớ lại lần đầu đi săn lúa chín, anh chàng Hà Nội kể về tháng 9/2015, lần đầu lái môtô qua các cung đường lúa ở Yên Bái, từ Tú Lệ, Khau Phạ, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn cho tới Lao Chải, Sáng Nhù. Anh đặc biệt choáng ngợp trước ruộng bậc thang mâm xôi kỳ vĩ tại La Pán Tẩn. Đồi mâm xôi này là một biểu tượng, điểm đến yêu thích của du khách khi tới Mù Cang Chải.
Nếp nhà yên bình trong làn mây lảng bảng bên sườn đồi Mù Cang Chải. Người dân tộc H’Mông cải tạo sườn núi thành ruộng bậc thang từ hàng trăm năm trước và đến nay vẫn dùng để trồng trọt.
Trong hai tháng 8 - 9/2020, Tú lên đường khám phá mùa lúa chín tại Cao Bằng và Hà Giang. Với tâm hồn yêu thiên nhiên, thích khám phá những điều mới mẻ, chia sẻ cảnh đẹp đất nước đến với mọi người nên dần dần Tú mê nhiếp ảnh. Hành trình xê dịch luôn có vợ ủng hộ, đi cùng và mang niềm đam mê vào nghề kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Trên hình là dòng Quây Sơn uốn lượn qua những thửa ruộng lúa chín vàng và dãy núi đá vôi trùng điệp tựa bức tranh thủy mặc nơi biên cương Cao Bằng.
Mùa vàng yên bình tại Cao Bằng. Đoạn đường nối thị trấn Trùng Khánh với xã Phong Nậm dài khoảng 10 km được đánh giá là nơi sở hữu nhiều khung cảnh mùa vàng gây ấn tượng với du khách.
Bình minh trên những thửa ruộng bậc thang sắp chín tại Bản Phùng, Hoàng Su Phì, Hà Giang. Bản Phùng và Bản Luốc ở Hà Giang là nơi có ruộng bậc thang cao nhất Việt Nam. Hoàng Su Phì cũng là nơi có lúa chín muộn nhất cả nước, thường thời điểm lúa chín các bản không đều mà rải rác vào cuối tháng 9 sang giữa tháng 10.
Con đường từ thị trấn Vinh Quang lên Bản Phùng, Hoàng Su Phì uốn lượn mềm mại như dải lụa, nhưng cheo leo, hiểm trở với một bên vách núi, bên kia là vực sâu thẳm khiến các tay lái phải tập trung cao độ, nhưng bù lại du khách có thể phóng tầm mắt ngắm các thửa ruộng bậc thang cao ngút như “nấc thang bắc lên trời”.
Ngoài cung đường lúa chín ở Thông Nguyên - Nậm Khòa - Tả Sử Choong - Bản Phùng ở Hoàng Su Phì, du khách còn có thể ngắm lúa tại thảo nguyên Suôi Thầu (ảnh), cách thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, Hà Giang gần 5 km.
Suôi Thầu nằm độ cao khoảng 1.100 m so với mặt nước biển, còn giữ được những nét hoang sơ, hùng vĩ của núi đồi bao la và nương lúa của bà con dân tộc bản địa.
Những đứa trẻ bắt gặp trên đường ở Suôi Thầu. Trong quá trình làm du lịch, ngoài ngắm mùa lúa chín, anh Tú còn hướng đến các chuyến đi thiện nguyện với mong muốn mang niềm vui nhỏ cho trẻ em vùng cao. Một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất là anh vượt môtô qua cung đường sình lầy sau mưa để hỗ trợ bữa ăn cho trẻ em H’Mông có hoàn cảnh khó khăn ở Suôi Thầu và Chúng Trải thuộc thị trấn Cốc Pài.