Để chinh phục Voi Mẹp có rất nhiều đường, nhưng chủ yếu từ 3 hướng là xã Hướng Linh, Hướng Sơn của huyện Hướng Hóa và xã Hướng Hiệp của huyện Đakrông.
Miền tây tỉnh Quảng Trị nổi tiếng với những dãy núi cao, địa hình hiểm trở. Đỉnh Voi Mẹp có tên khác là Tá Linh Sơn được mệnh danh là “nóc nhà” của Quảng Trị có độ cao trên 1.700 mét so với mực nước biển. Nằm ở địa phận giáp ranh giữa 3 xã Hướng Linh, Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa) và xã Hướng Hiệp (huyện Đakrông), núi Voi Mẹp nổi tiếng bởi vẻ đẹp huyền bí với những cánh rừng nguyên sinh, những dốc đá cheo leo và những thác nước hùng vĩ. Đối với những người yêu thích du lịch mạo hiểm, đỉnh Voi Mẹp luôn là một đích đến mà bao người muốn được đặt chân để khám phá.
Thác nước đẹp trên đường lên đỉnh Voi Mẹp.
Để chinh phục Voi Mẹp có rất nhiều đường, nhưng chủ yếu từ 3 hướng là xã Hướng Linh, Hướng Sơn của huyện Hướng Hóa và xã Hướng Hiệp của huyện Đakrông. Sáng sớm một ngày cuối tháng 3, đoàn chúng tôi xuất phát chính phục đỉnh Voi Mẹp, mỗi người khi đi mang trên mình hơn 10kg hành lý gồm áo quần, võng, túi ngủ, thực phẩm và các vật dụng cần thiết khác.
Người dân địa phương gọi núi là Voi Mẹp bởi họ cho rằng đỉnh núi trông giống như phần đầu một con Voi đang nằm.
Trên đường đi, chốc chốc chúng tôi lại dừng lại nhìn ngắm rừng nguyên sinh trải dài giữa muôn trùng núi non trùng điệp. Địa hình hiểm trở, cộng thêm việc nằm trong khu vực bảo tồn khiến rừng nơi đây nguyên sinh. Đến giữa trưa, chúng tôi nghỉ chân nấu cơm khi đã vượt qua độ cao hơn 100 mét. Hành trình buổi chiều sẽ là thử thách vượt thác khi chúng tôi phải vượt qua 3 con thác hiểm trở rồi nghỉ chân qua đêm tại độ cao 1.450 mét. Trong 3 con thác, khó khăn nhất là thác 2 bởi chúng tôi sẽ phải băng ngang qua thác, đối mặt với dòng nước chảy xiết và dốc đá trơn trượt dưới chân.
Đường lên Voi Mẹp, chúng tôi xuất phát từ xã Hướng Sơn, cắt rừng đi về hướng Đông.
Vượt qua những con suối và thử thách leo núi khi trên người mang đồ lỉnh kỉnh, đôi chân của những thành viên trong đoàn rệu rã. Tìm được một địa điểm đẹp bên bờ suối, đoàn hạ trại. Ai cũng khẩn trương vì đêm trong rừng sẽ xuống rất nhanh đi kèm cùng cái lạnh buốt da. Qua đêm trong rừng, mỗi người trong đoàn đều chuẩn bị võng, loại có màn kéo phía trên để ngăn muỗi và vắt có thể chui vào. Túi ngủ cũng là vật dụng cần thiết để chống chọi lại với cái lạnh ở núi cao.
Mang hơn 10kg hành lý vượt qua những dốc đá cao quả thực là một trải nghiệm khó khăn với chúng tôi.
Sau bữa tối, nhóm chúng tôi chia ra hai nhóm đi bắt ếch đá. Loài ếch đá ban ngày trú ngụ trong những khe suối, đêm đến chúng mới nhảy ra ngoài tìm thức ăn cũng như cất tiếng kêu gọi bạn tình. Khắp cả một khúc suối, tiếng ếch kêu râm ran như đang trong mùa lễ hội. Bắt ếch đá không khó lắm, trong đêm tối khi ánh đèn pin của chúng tôi quét qua, mắt chúng sáng rực lên rất dễ nhận biết, và khi tiếp xúc với ánh sáng mạnh, chúng cứ đờ người ra bất động, nhanh chóng bị tóm gọn cho vào bao. Tổng kết đêm hôm đó, đoàn chúng tôi bắt được hơn 20 con ếch béo nục. Đêm trong ánh lửa bập bùng và hương thơm thịt ếch nướng, chúng tôi cùng ngồi trò chuyện. Sau một ngày vận động mạnh liên tục, đôi chân giờ rã rời, ai cũng cố gắng ăn thật nhiều, để lấy sức cho thử thách vào ngày mai.
Những khối đá lớn gập ghềnh trên đường đi.
Càng lên gần tới đích, rừng gỗ nguyên sinh biến mất, nhường chỗ cho trúc. Nằm ở độ cao hơn 1.700 mét, chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết nên không khó hiểu khi phần đỉnh núi Voi Mẹp chỉ loài cây trúc rừng là phát triển mạnh, đây cũng chính là thức ăn ưa thích của loài bò tót, sơn dương và heo rừng.
Bữa cơm trưa của nhóm chúng tôi được nấu ngay trong rừng.
Phần đỉnh núi Voi Mẹp khá rộng và bằng phẳng, tuy cỏ mọc dày vào cao quá gối. Nếu có đủ thời gian, thì cắm trại ngủ qua đêm trên đỉnh núi là một trải nghiệm mà chúng tôi thực sự muốn thử bởi vào sáng sớm, nhiều khả năng biển mây sẽ xuất hiện. Từ trên đỉnh Voi Mẹp nhìn xuống, núi rừng Trường Sơn thật hùng vĩ, bao la một màu xanh ngắt. Những dãy núi nối nhau chen lấn gập gềnh trải dài đến tận chân trời. Và thật tự hào rằng, những dãy núi đan xen nhau trùng trùng điệp điệp, những khó khăn gian khổ trên đường đi cũng đã không ngăn cản chúng tôi đến được với nơi đây – “nóc nhà” của Quảng Trị…
Thác Ba Vòi trên đường đi với chiều cao gần 300 mét chia làm ba nhánh thuộc về phía xã Hướng Hiệp.
Gió thổi mạnh cuốn những đám mây cuồn cuộn bay lên đỉnh núi khiến chúng tôi phải trở về sớm hơn dự kiến. Sau lưng chúng tôi, Voi Mẹp hùng vĩ thấp thoáng trong mây trời, vừa uy nghi, vừa bí ẩn.
Một quả bom Napalm đã nổ nằm lại trong rừng sâu từ thời chiến tranh.
Hai cây Tùng tuyệt đẹp khoe dáng ở độ cao 1.300 mét.
Chuẩn bị lán trại để ngủ qua đêm trên núi Voi Mẹp.
Các thành viên trong đoàn phấn khởi khi đích đến đã ở trước mắt.
Cảnh hùng vĩ từ Voi Mẹp nhìn xuống.