Cách Hà Nội hơn 400km, sau vài chục cây số từ trung tâm huyện Bắc Quang vào huyện Hoàng Su Phì, những con dốc uốn éo như nhể ốc làm bất cứ ai cũng phải chóng mặt. Đường nhựa bé, vỡ hỏng và uốn éo chữ chi. Đỉnh Chiêu Lầu Thi, cái tên thơ mộng như một lầu thơ bát ngát gió trăng, nằm ở nơi hoang vu bậc nhất của xã Hồ Thầu.
Thèm nhớ hoang vu, dường như là một hội chứng có thật và ngày càng lớn lên trong mỗi con dân đô thị Việt Nam. Chúng tôi tìm đến đỉnh núi cao thứ nhì tỉnh Hà Giang - Chiêu Lầu Thi - chiết tự ra là “9 tầng thang lên trời” - cũng trong cảm giác đó.
Đường lên Chiêu Lầu Thi hiểm trở với sự thống trị của thiên nhiên đa sắc màu.
Cách Hà Nội hơn 400km, sau vài chục cây số từ trung tâm huyện Bắc Quang vào huyện Hoàng Su Phì, những con dốc uốn éo như nhể ốc làm bất cứ ai cũng phải chóng mặt. Đường nhựa bé, vỡ hỏng và uốn éo chữ chi. Đỉnh Chiêu Lầu Thi, cái tên thơ mộng như một lầu thơ bát ngát gió trăng, nằm ở nơi hoang vu bậc nhất của xã Hồ Thầu.
Đỉnh Chiêu Lầu Thi cao 2.402m so với mực nước biển. Độ cao này đủ khiến nhiều người ù tai, đủ để các thảm thực vật phủ rêu mốc lún phún, các cổ thụ cây nghều ngào cành lá xanh um địa y, chúng như các chi của loài thú sống trên núi tuyết bờm xờm lông lá. Độ cao ấy, mây vờn đuổi nhau lan man, lúc trắng xốp, lúc đặc quánh mù mịt. Gió đủ lạnh buốt năm đầu ngón tay.
Trên đỉnh cao nhất có hình tam giác bằng kim loại sáng loáng có vẽ hình ngôi sao năm cánh trong một hình tròn; và dòng chữ đánh dấu độ cao “2.402m”, “Chiêu Lầu Thi”. Nhìn vào đây, người ta dễ liên tưởng đến đỉnh Phan Xi Păng với cột mốc trên đỉnh có hình dáng tương tự. Và, đứng về kỉ lục núi cao, Chiều Lầu Thi cao thứ 2 trên vùng địa đầu chất ngất Hà Giang.
Cảm giác đầu tiên và xuyên suốt hành trình, ấy là cái giá của sự hoang sơ. Là cảm giác rưng rưng xúc động khi ở trên đỉnh của đỉnh mây mù thuộc dãy Tây Côn Lĩnh huyền thoại. Bạn có thể cắm lều, dựng trại, đốt lửa, qua đêm trong gió rít ào ào, mây trắng toát xà xuống, biến bạn thành một vị tiên vân giá phiêu phiêu. Các con đường lên núi: Lúc ẩn, lúc hiện, các loài cây ôn đới cằn cỗi lùn tịt đi vì gió thổi quá dữ dằn.
Đặc biệt là các mỏm đá chênh vênh sống ảo, thò ra bốn bề rừng thắm dày rậm trải về tận phía chân trời. Chúng đôi khi cập kênh rất ảo diệu, không ai can thiệp làm du lịch cũng chẳng ai kê lại cho… an toàn. Trời sinh trời dưỡng thế thôi.
Bà con đi hái quả mâm xôi chín mọng, nhiều vách núi dát rêu màu đỏ. Một vùng rừng núi mộng mơ đang chờ đón bước chân khám phá của bạn.
Rêu đỏ ối trùm phủ vách đá ủ mây. Đến nỗi, chúng trở thành “điểm đến rêu đỏ” huyền thoại cho dân phượt. Các hồ nước ở chân núi xanh biếc theo màu mây trời, chúng tĩnh lặng như con hồ ma quái và các tán rừng từ nhỏ xíu đến cổ thụ dầm chân chết khẳng khiu trong hồ lại càng gợi về một vùng đất ngập nước liêu trai.
Đường lên núi gồ ghề, đá hộc trồ ra án ngữ, xe máy luồn lách nhảy chồm trên đá phiến cập kênh, xe ôtô thì phải là loại sinh ra để leo núi “thượng thặng” và ông chủ phải không hay xót xe mới gào rú gục goặc chinh phục được. Song, cái khó điệp trùng đó, đôi khi lại là một thách thức quyến rũ cho những điệu hồn muốn trải nghiệm tận cùng với thiên nhiên hoang sơ, muốn thách thức các giới hạn của bản thân.
Chúng tôi lên đến ngôi nhà cách xóm làng xã Hồ Thầu xa nhất về phía đỉnh Chiêu Lầu Thi vời vợi, thì trời đã khá khuya. Mây đặc đến mức, đèn xe bật lên là mất hẳn tầm nhìn vì lóa. Các lều nương dọc đường vắng ngắt, thỉnh thoảng có một bà cụ người Dao nói vài câu rất khó nghe. Mây khiến người ta phát sợ, khi mà bốn bề là vực sâu, đường trơn truội vì mây đọng thành giọt “tẩm ướp” với bùn nhão vào đất đá.
Chủ nhà có con gái là một giáo viên mầm non, nàng vừa đoạt giải nhì cuộc thi hoa khôi người Dao được tổ chức ở Tuyên Quang. Họ làm bồn tắm thuốc người Dao thò ra phía mây trắng toát, gió lạnh tơi bời. Họ làm phòng homestay lép nhép rêu phong, vì không gian bất kể ngày đêm, bất nghề tứ thời bát tiết, lúc nào cũng ướt đẫm sương và mây mù. Bữa tiệc núi dọn ra lá chuối, ngồi bên bếp lửa hồng, cửa mở là mây tràn vào khiến tầm nhìn của ai cũng bị ma mị cả đi.
Sau khi đánh vật với các cung đường đá, sau khi đi bộ lên đỉnh Chiêu Lầu Thi, bữa tiệc non cao, toàn các món sơn cước thứ thiệt, nó khiến người ta hân hoan kỳ lạ. Hân hoan mãi về sau này, nhất là khi mà cô giáo mầm non á khôi nhan sắc của người Dao miền thượng du tự tay giót chén đầu của mẻ rượu men lá mời khách quý. Đại gia đình họ, ai cũng thật tình đến mức làm bạn thấy xấu hổ vì cái lấm láp thị thành đã khiến mình đề phòng, thăm dò, nghi kị hay có ý định khảo giá mọi thứ...
Sống "ba cùng" với người Dao sở tại, trên ngôi nhà xa nhất về phía Chiêu Lầu Thi hiểm trở, sẽ cho bạn một cảm giác thú vị và ấm áp không thể nào quên.
Cảm giác cái lạnh ngấm vào từng vân vi thớ thịt của bạn. Cảm giác sự hoang sơ tuyệt bích của rừng già cứ theo bạn mãi từ bấy. Từ các tán rừng lùn phủ rêu mốc địa y, đến miên man mây trắng luồn đuổi nhau như chơi trò ú tim ngay cả quanh các cánh cửa gỗ giữa bản Dao. Rồi thảm rêu vàng óng dày nửa gang tay, phủ kín cả một rông núi dọc đường mà bạn không nỡ dẫm chân vào.
Kia nữa, ánh lửa bếp hồng Chiêu Lầu Thi. Và, hoàng hôn đỏ ối như châm chảo lửa từ chín tầng trời xuống tán rừng có cột mốc ba cạnh nhọn xinh “2.402m”. Khi ấy, tâm hồn, cơ thể, xúc cảm của bạn đều được gột rửa. Tai bạn hơi ù đi, tiếng bạn như bị cuốn vào trong gió riết, chợt bạn thấy dâng lên một cảm giác mình là kẻ bị đi đày biệt xứ, đến một nơi không giống ngày thường. Mây lan man như cấu véo từng lọn ra được, nó khiến người ta như được đặc cách biến thành các vị thần vân du tiên cảnh vậy.
Người ta bảo, đó là cái giá trị muôn một của sự hoang sơ.
“Cánh rừng chết” trong hồ nước tĩnh lặng, giữa sân nhà người Dao ở chân Chiêu Lầu Thi.